Được sống trên một đất nước văn minh, nhân đạo và phồn thịnh như nước Đức là một may mắn nhưng bên cạnh đó với tôi và có lẽ cả với nhiều người khác cũng vẫn có những khó khăn nhất định xuất phát từ mặc cảm và nỗi niềm của người xa xứ.


Những năm tháng đầu tiên theo chồng sang Đức đối với tôi sao mà buồn bã và cô đơn đến vậy. Không người thân, không bạn bè đã thế lại ngôn ngữ bất đồng, khí hậu thì lại hoàn toàn khác biệt với quê hương tôi. Tóm lại là vô cùng chán nản. Có những ngày đông cả thành phố chìm trong tuyết trắng, nếu như bây giờ tôi sẽ đắm mình trong vẻ tinh khôi của tuyết để rồi thả cho trí tưởng tượng trôi vào thế giới cổ tích, nhưng lúc đó lại chỉ là những giọt nước mắt chảy tràn trên mặt. Không khí trong gia đình cũng lắng xuống, nặng trĩu nỗi niềm. Đúng lúc ấy cả gia đình chị Thu đem hoa đến chúc mừng cuộc đoàn tụ của chúng tôi. Chồng tôi- mà chị vẫn luôn xem như đứa em trong gia đình- đã giao phó tôi cho chị với hi vọng bằng sự chân tình, mẫn cảm và kinh nghiệm sống của chị cũng như qua việc tham gia vào các hoạt động đa dạng và hấp dẫn của câu lạc bộ VINAPHUNU, tôi sẽ nhanh chóng trở lại cân bằng để hòa mình vào cuộc sống mới. Tôi tham gia vào lớp học tiếng Đức của câu lạc bộ do đôi vợ chồng ông bà giáo Engelstädter phụ trách. Hai ông bà thật vô cùng tận tình với tất cả chúng tôi. Bên cạnh việc dạy ngôn ngữ, ông bà luôn chú trọng đến việc giới thiệu với chúng tôi văn hóa Đức để chúng tôi hiểu và gần gũi hơn với đất nước con người nơi chúng tôi đang sinh sống.


Từ ngày có chút „vốn liếng “ tiếng Đức tôi không còn cảm thấy như mình sống trên hoang đảo nữa. Nó như cây cầu nối tôi đến với đất liền. Tôi đã tự tin hơn khi gặp gỡ bạn bè của chồng chứ không như những ngày đầu ai hỏi gì cũng phải nhìn chồng cầu cứu hoặc cũng chỉ biết cười trừ! Biết tôi thích đọc, chị chọn cho tôi trong kho tàng sách truyện của câu lạc bộ những cuốn sách hay, phù hợp với sở thích của tôi. Đời sống tinh thần của tôi sẽ nghèo nàn đi biết mấy nếu thiếu đi thư viện khổng lồ ấy. Biết tính tôi hay e ngại, chị chủ động lôi cuốn tôi vào các hoạt dộng khác như học nấu ăn (chính nhờ những buổi học này mà chồng con tôi đã vui sướng chia tay với những ngày tháng hết trứng luộc lại đến trứng rán), rồi xem phim, xem ca múa nhạc kịch ở Friedrichstadt Palast, đến xưởng gốm để tìm hiểu và tập nặn và vẽ những cái chén cái bát xinh xinh hay làm hẳn một chuyến xe để đưa vài chục gia đình đến công viên vui chơi giải trí Serengeti Park hay đơn giản như cùng nhau nướng thịt ở khu vườn xinh xắn của ông bà “ Hy Vọng“, những người bạn chân tình và chung thuỷ với Việt Nam từ bao năm qua, một ngày đẹp trời cuối tuần. Cứ sau mỗi lần tham gia một hoạt động nào đó trở về tôi lại thấy mình như tươi trẻ lại, cảm giác lâng lâng cứ lan tỏa. Điều đó có lẽ xuất phát từ nỗi niềm khao khát có một đời sống tinh thần dồi dào chứ cuộc sống con người ta không thuần tuý chỉ dừng lại ở cơm áo gạo tiền. Cứ thế ngày lại ngày, năm lại năm, từ lúc nào không biết, tôi đã gắn bó với các bạn ở CLB và với chị đến vậy để đến khi vô tình gặp nhau ngoài phố, chúng tôi lại hỏi nhau “ Lâu nay có ra CLB không ?“ cứ như là hai người đồng hương phiêu bạt hỏi nhau „Lâu nay có về quê nhà không?“ vậy! Mối thâm tình và sự tin cậy bền bỉ suốt mười mấy năm qua đã cho phép tôi những khi có chuyện gì nặng trĩu lòng lại được lao đến, ngồi phịch xuống và … trút vào chị, rồi sau đó là suy ngẫm và tâm đắc biết bao những lời phân tích rất thấu đáo, cặn kẽ của chị. Lời khuyên của chị thường không chỉ gắn với một sự việc cụ thể mà bao giờ cũng mang tính triết lý sâu xa gắn liền với chân lý sống.


Chị là một người rất đặc biệt từ dáng vẻ bên ngoài cho tới nội tâm bên trong. Ở chị, dường như mọi thứ đều ở hai thái cực. Hình thức, trang phục trông rất “ bụi bặm“ nhưng trong mọi mối quan hệ lại vô cùng ân cần và chu đáo. Thể hiện trông rất nóng nảy, mạnh mẽ nhưng ẩn náu bên trong lại là một tâm hồn vô cùng tinh tế và nhạy cảm. Chị thuộc vanh vách những bài Đường thi của Thôi Hiệu, của Bạch Cư Dị, của Đỗ Phủ và cái niềm sung sướng của tôi là được ngồi nghe chị cắt nghĩa từng từ một từ tiếng Hán Nôm sang tiếng Việt để như thấy được cả một bức tranh đang rõ dần ra, để cảm nhận được phần nào cái đẹp, cái tình gửi gắm trong từng con chữ. Bằng vốn kiến thức sâu rộng và cái duyên nói chuyện chị thường xuyên làm cho tôi quên béng mất rằng thời gian đang trôi cùng với bao nhiêu nghĩa vụ làm vợ làm mẹ của tôi nữa. Thỉnh thoảng „gặp may“ tôi lại được chị đọc cho nghe những bài thơ chị viết. Những bài thơ mang hơi hướng thơ cổ sao mà đẹp và hoài niệm đến thế… Không chỉ có văn hay chữ tốt không thôi đâu nhé, tài nữ công gia chánh của chị cũng khiến cho chúng tôi phải bái phục. Chị có thể thức cả đêm cẩn thận, tỉ mỉ đến từng đường kim mũi chỉ để đan hoặc thêu cho bạn bè và các cháu những chiếc áo len, những bộ khăn mũ rất đẹp. Có những thứ cả chục năm nay các con tôi không còn dùng đến nữa vì quá chật nhưng vẫn được giữ cẩn thận trong tủ để làm kỉ niệm của bác. Cụ thể hơn có lẽ phải nhìn chị làm bếp mới thấy được hết sự nghiêm túc, cầu toàn trong những việc tưởng chừng như rất nhỏ cốt để biểu đạt được giá trị văn hóa trong từng món ăn. Từ cách thái rau thơm, lá chanh thế nào là vừa, hành chẻ ra sao cho mảnh… cho tới bày biện một bát bún, bát phở sao cho thật khéo. Màu nào bên cạnh màu nào cho đẹp. Với chị sao mà thuần thục đơn giản mà sao chúng tôi học mãi vẫn không xong. Có phải chăng đó chính là tầng văn hóa của mỗi người. Cũng chính với tầng văn hóa ấy mà khi gặp chị, tóc thì „một mất một còn“, quần áo thì cái chùng, cái dài thì đừng ai vội tưởng là chị không chú ý đến hình thức bên ngoài nhé. Từ kiểu áo, dáng quần cho tới dải khăn lụa vắt hờ hững trên cổ đều hòa hợp lạ lùng trên một cá thể đặc biệt như thế. Tất cả những gì tưởng như „mâu thuẫn“ ấy ở chị tạo nên một „thương hiệu“ rất riêng biệt và sức hút kì lạ khiến cho bất kì ai khi gặp lần đầu dù thích hay không thích vẫn cảm thấy hết sức thú vị, hết sức hấp dẫn. Đó có lẽ là “ vẻ đẹp trí tuệ “ mà người ta vẫn nhắc đến chăng? Nhưng trên tất cả, điều làm tôi yêu quí và kính trọng chị đó là âm thầm sau mỗi việc làm, chị dường như luôn muốn hướng tới tiêu chí “ Chân- Thiện -Mĩ „. Có con chim đầu đàn với cái Tâm như vậy, tôi tin chúng tôi sẽ không bị lạc đường!


20 năm là quãng thời gian rất dài, là biết bao nhiêu ngày với bao nhiêu câu chuyện vui buồn xúc động. Bản thân tôi cũng có rất rất nhiều ân tình muốn bộc bạch cùng chị nhưng cứ những lúc cần bày tỏ thì lại cảm thấy rất bất lực. „Ý tại ngôn ngoại“ mà „ngôn“ của tôi thì cũng rất hạn chế chỉ có tình cảm đang trào dâng lúc này là điều chân thật mà tôi đang cảm nhận được.


Trong 20 năm qua chị đã đạt được bao nhiêu thành tựu trong công việc nhưng theo em hiểu điều quan trọng nhất đối với chị không phải là danh hiệu hay huân chương mà trên tất thảy đó là sự thanh thản vì với cái tâm không phân biệt, với lòng nhiệt thành và đạo đức nghề nghiệp chị đã làm được biết bao điều tốt đẹp cho cộng đồng mà cụ thể là cho anh chị em đồng xứ của mình. Đó mới chính là trái ngọt của cuộc sống phải không chị ?

Berlin, tháng tư/2011

Trương Thu Thuỷ